Chi phí sản xuất chung là chi phí phục vụ sản xuất, kinh doanh chung phát sinh ở phân xưởng, bộ phận, đội, công trường,… phục vụ sản xuất sản phẩm, thực hiện dịch vụ, không bao gồm chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sử dụng máy thi công (theo điều 87 thông tư Số 200/2014/TT-BTC). Hãy cùng Thư viện kiến thức nghiên cứu tài khoản này.
![](https://thuvienkienthuc.vn/wp-content/uploads/2024/09/icongchuc_chi-phi-san-xuat-chung.jpg)
1. Khái niệm chi phí sản xuất chung
Chi phí sản xuất chung được tập hợp theo từng phân xưởng, đội sản xuất cũng như được quản lý theo từng yếu tố chi phí. Để đánh giá hoạt động của phân xưởng thì chi phí sản xuất chung là tiêu chí quan trọng, bên cạnh đó nó còn là thước đo hiệu quả trong công tác quản lý chi phí của doanh nghiệp.
Các loại chi phí cấu thành nên chi phí sản xuất chung trong doanh nghiệp bao gồm:
- Chi phí nguyên vật liệu: là tập hợp khoản chi phí về các loại nguyên, vật liệu được sử dụng trong phân xưởng, phục vụ cho hoạt động sản xuất.
- Chi phí nhân công: là khoản chi phí phải trả cho các nhân viên của phân xưởng, bao gồm: tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp lương, trích đóng bảo hiểm cho nhân viên phân xưởng.
- Chi phí khấu hao TSCĐ: là tập hợp các khoản khấu hao của tất cả các tài sản cố định được sử dụng trong phân xưởng sản xuất.
- Chi phí dịch vụ mua ngoài: là tập hợp các khoản chi phí mua ngoài để phục vụ cho các hoạt động của phân xưởng như chi phí điện nước, điện thoại, chi phí sửa chữa TSCĐ…
- Chi phí khác bằng tiền: là các khoản chi bằng tiền khác nhằm phục vụ cho hoạt động của phân xưởng, như chi phí tiếp khách, hội thảo, hội nghị… ở phân xưởng.
Để phục vụ cho việc tính giá vốn thì toàn bộ chi phí trên đều phải được tập hợp vào chi phí sản xuất chung. Cũng có những trường hợp đặt biệt mà khi đó những chi phí trên sẽ không được phản ánh vào chi phí sản xuất chung mà ghi nhận thẳng vào giá vốn. Kế toán cũng cần lưu tâm đến những trường hợp này để hạch toán cho chính xác.
Ví dụ là trường hợp mức sản phẩm thực tế sản xuất ra thấp hơn công suất bình thường thì chi phí sản xuất chung cố định chỉ được phân bổ vào chi phí chế biến cho mỗi đơn vị sản phẩm theo mức công suất bình thường. Khoản chi phí sản xuất chung không phân bổ được ghi nhận vào giá vốn hàng bán trong kỳ.
2. Cách phân bổ chi phí sản xuất chung
Phân bổ chi phí sản xuất chung là một phần quan trọng trong quá trình tính giá thành sản phẩm. Dưới đây là các bước và phương pháp phổ biến để phân bổ chi phí sản xuất chung:
- Xác định tổng chi phí sản xuất chung: Bao gồm các chi phí không trực tiếp liên quan đến một sản phẩm cụ thể như: chi phí khấu hao, chi phí bảo trì, chi phí tiện ích (điện, nước), lương nhân viên quản lý sản xuất, và các chi phí chung khác.
- Lựa chọn tiêu chí phân bổ
- Số lượng sản phẩm: Phân bổ chi phí dựa trên tổng số lượng sản phẩm sản xuất.
- Giờ lao động trực tiếp: Phân bổ chi phí dựa trên số giờ lao động trực tiếp sử dụng cho sản xuất.
- Giờ máy hoạt động: Phân bổ dựa trên số giờ máy hoạt động.
- Nguyên liệu sử dụng: Phân bổ chi phí dựa trên lượng nguyên liệu sử dụng cho từng sản phẩm.
- Tính tỷ lệ phân bổ: Tỷ lệ phân bổ = Tổng chi phí sản xuất chung / Tổng tiêu chí phân bổ (ví dụ: tổng số giờ lao động, tổng số giờ máy hoạt động,…).
- Phân bổ chi phí cho từng sản phẩm: Sử dụng tỷ lệ phân bổ đã tính, áp dụng vào các tiêu chí tương ứng của từng sản phẩm để tính ra chi phí sản xuất chung cho từng sản phẩm cụ thể.
- Kiểm tra và điều chỉnh: Sau khi phân bổ, cần kiểm tra lại để đảm bảo tổng chi phí sản xuất chung đã được phân bổ hết. Nếu có sự chênh lệch, cần điều chỉnh cho phù hợp.
3. Tài khoản sử dụng, kết cấu
Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 627 (chi phí sản xuất chung) được quy định tại khoản 2 Điều 87 Thông tư 200/2014/TT-BTC như sau:
– Bên Nợ: Các chi phí sản xuất chung phát sinh trong kỳ.
– Bên Có:
+ Các khoản ghi giảm chi phí sản xuất chung;
+ Chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ được ghi nhận vào giá vốn hàng bán trong kỳ do mức sản phẩm thực tế sản xuất ra thấp hơn công suất bình thường;
+ Kết chuyển chi phí sản xuất chung vào bên Nợ tài khoản 154 “Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang” hoặc vào bên Nợ TK 631 “Giá thành sản xuất”.
– Tài khoản 627 không có số dư cuối kỳ.
![](https://thuvienkienthuc.vn/wp-content/uploads/2024/09/icongchuc_ket-cau-tk-627.png)
Tài khoản 627 (chi phí sản xuất chung), có 6 tài khoản cấp 2:
– Tài khoản 6271 (chi phí nhân viên phân xưởng): Phản ánh các khoản tiền lương, các khoản phụ cấp phải trả cho nhân viên quản lý phân xưởng, bộ phận sản xuất; tiền ăn giữa ca của nhân viên quản lý phân xưởng, phân xưởng, bộ phận sản xuất; khoản trích bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp được tính theo tỷ lệ quy định hiện hành trên tiền lương phải trả cho nhân viên phân xưởng, bộ phận, tổ, đội sản xuất,…
– Tài khoản 6272 (chi phí vật liệu): Phản ánh chi phí vật liệu xuất dùng cho phân xưởng, như vật liệu dùng để sửa chữa, bảo dưỡng tài sản cố định, công cụ, dụng cụ thuộc phân xưởng quản lý và sử dụng, chi phí lán trại tạm thời,…
– Tài khoản 6273 (chi phí dụng cụ sản xuất): Phản ánh chi phí về công cụ, dụng cụ xuất dùng cho hoạt động quản lý của phân xưởng, bộ phận, tổ, đội sản xuất,…
– Tài khoản 6274 (chi phí khấu hao tài sản cố định): Phản ánh chi phí khấu hao tài sản cố định dùng trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm, thực hiện dịch vụ và tài sản cố định dùng chung cho hoạt động của phân xưởng, bộ phận, tổ, đội sản xuất,…
– Tài khoản 6277 (chi phí dịch vụ mua ngoài): Phản ánh các chi phí dịch vụ mua ngoài phục vụ cho hoạt động của phân xưởng, bộ phận sản xuất như: Chi phí sửa chữa, chi phí thuê ngoài, chi phí điện, nước, điện thoại, tiền thuê tài sản cố định, chi phí trả cho nhà thầu phụ (đối với doanh nghiệp xây lắp).
– Tài khoản 6278 (chi phí bằng tiền khác): Phản ánh các chi phí bằng tiền ngoài các chi phí đã kể trên phục vụ cho hoạt động của phân xưởng, bộ phận, tổ, đội sản xuất.
3. Phương pháp hạch toán một số nghiệp vụ phát sinh
+ Tính tiền lương phải trả cho nhân viên quản lý phân xưởng, quản lý đội,…
Nợ TK 627
Có TK 334
Ví dụ 1: Tính tiền lương phải trả cho nhân viên quản lý phân xưởng sản xuất: 100.000.000
Nợ TK 627: 100.000.000
Có TK 334: 100.000.000
+ Trích các khoản theo lương theo tỷ lệ quy định
Nợ TK 627
Có TK 338 (3382, 3383, 3384, 3386)
Ví dụ 2: Trích các khoản theo lương theo tỷ lệ quy định (tỷ lệ 34%)
Nợ TK 627: 100.000.000 x 23,5% = 23.500.000
Nợ TK 334: 100.000.000 x 10,5% = 10.500.000
Có TK 338: 34.000.000
+ Xuất kho nguyên vật liệu dùng cho nhu cầu phân xưởng
Nợ TK 627
Có TK 152
Ví dụ 3: Xuất kho nguyên vật liệu dùng cho phân xưởng sản xuất: 5.000.000
Nợ TK 627: 5.000.000
Có TK 152: 5.000.000
+ Xuất kho công cụ dụng cụ loại phân bổ 1 lần dùng cho phân xưởng sản xuất
Nợ TK 627
Có TK 153
Ví dụ 4: Xuất kho công cụ dụng cụ loại phân bổ 1 lần dùng cho phân xưởng sản xuất: 3.000.000
Nợ TK 627: 3.000.000
Có TK 153: 3.000.000
+ Xuất kho công cụ dụng cụ loại phân bổ nhiều lần dùng cho phân xưởng sản xuất (n lần)
++ Khi xuất kho:
Nợ TK 242: Trị giá xuất kho
Có TK 153
++ Khi phân bổ vào chi phí
Nợ TK 627
Có TK 242: Trị giá xuất kho/ n
Ví dụ 5: Xuất kho công cụ dụng cụ loại phân bổ 3 lần dùng cho phân xưởng sản xuất: 6.000.000
++ Khi xuất kho:
Nợ TK 242: 6.000.000
Có TK 153: 6.000.000
++ Khi phân bổ vào chi phí
Nợ TK 627: 6.000.000/3 = 2.000.000
Có TK 242: 2.000.000
Xem thêm: Tài khoản 153
+ Khấu hao TSCĐ phục vụ phân xưởng sản xuất
Nợ TK 627
Có TK 214
Ví dụ 6: Khấu hao TSCĐ phục vụ phân xưởng sản xuất: 10.000.000
Nợ TK 627: 10.000.000
Có TK 214: 10.000.000
Xem thêm: Phương pháp khấu hao theo đường thẳng
+ Chi phí dịch vụ mua ngoài phục vụ phân xưởng sản xuất
Nợ TK 627
Nợ TK 133
Có TK 111, 112, 331, 141, …
Ví dụ 7: Chi phí dịch vụ mua ngoài phục vụ phân xưởng sản xuất với giá chưa thuế GTGT 10% là 10.000.000, chưa thanh toán cho người bán. Thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ
Nợ TK 627: 10.000.000
Nợ TK 133: 1.000.000
Có TK 331: 11.000.000
+ Cuối kỳ kết chuyển chi phí sản xuất chung để tính giá thành sản phẩm
Nợ TK 154 hoặc 631
Nợ TK 632
Có TK 627
![](https://ngolongnd.net/wp-content/uploads/2021/07/ngolongnd_donatebutton.png)
Bài viết khác cùng mục: